TRANG SINH HOẠT


Kiếp nghèo trên quê hương tôi

Tác giả: V.T
Thể loại: Phóng sự sinh hoạt  

Lời giới thiệu của BBT: Sau hơn 30 năm, Sài Gòn được gọi là Giải Phóng! Ý nghĩa của từ giải phóng có nhiều mặt: Giải phóng kiếp nghèo, giải phóng sự kềm kẹp của Ngụy quyền và sự bóc lột của đế quốc Mỹ....Cho đến hôm nay, tầng lớp nhân dân lao động nghèo, đã một thời được chế độ CSVN lấy làm tầng lớp tiên phong cho công cuộc đấu tranh giải phóng, vẫn còn sống cơ cực trong những hoàn cảnh thương tâm với kiếp nghèo! Trong khi đó, những người nhân danh chuyên chính vô sản để lãnh đạo công cuộc giải phóng, bây giờ sống trong những ngôi biệt thự kín cổng cao tường. Xóm nghĩa địa là một minh chứng cho những gì mà chế độ CSVN đã lo cho nhân dân Việt Nam, như họ đã nói: Vì dân và cho dân!

**Xóm nghèo nghĩa địa
         Ngay cả người dân sống lâu năm ở đây cũng không biết chính xác cái "xóm nghĩa địa" nằm bên dòng kênh Rạch Lào, khu phố 4, phường 15, quận 8, TP.HCM có tự khi nào. Chỉ biết "xóm nghĩa địa" kỳ lạ này tồn tại ngay giữa trung tâm TP.HCM đã mấy chục năm nay. Mặc cho xung quanh nhiều cao ốc chọc trời mọc lên cùng những con phố sầm uất, nhộn nhịp thì khu dân cư sống chen lẫn với nghĩa địa này vẫn cứ tồn tại.
        Họ đều là dân nhập cư từ các địa phương khác. Lịch sử của họ từng lang bạt làm ăn nhiều nơi nhưng đều khổ cực, không một tấc đất cắm dùi. Trong vòng khoảng chừng 300m2 đất nghĩa địa bao bọc xung quanh là trên 200 con người chen lấn tù túng nghèo khó quanh năm.
        Sân chơi cho cả xóm ấy là bãi nghĩa địa với hàng chục ngôi mộ. Ở nơi này hình như sống lâu thành quen nên chẳng ai sợ hãi. Họ ngồi lên mồ mả đánh bài, uống rượu, hát hò, chơi đùa. Lũ trẻ con thì chạy nhảy thượng cẳng chân, tè lên cả những ngôi mộ một cách tự nhiên. Không biết bao nhiêu dây mắc quần áo được phơi từ ngôi mộ này qua ngôi mộ khác.
        Nhìn bãi nghĩa địa xen lẫn những túp lều, chẳng biết đâu là lều, đâu là mả. Bao nhiêu thứ rác rưởi ô uế ngổn ngang khắp mọi nơi.

**Gắn chặt với nấm mồ
       Ló đầu ra từ đám bụi dày đặc của những chiếc bao ximăng, bà Đinh Thị Lùn, người trong xóm quen gọi là bà Tư, vừa ho sù sụ vừa nói: "Có ai muốn sống trên đất người chết đâu! Cùng đường lắm mới phải vào đây ăn ở chung với những nấm mồ mả. Chắc kiếp trước có nợ nần gì nên kiếp này mình phải làm bạn với những người đã khuất...".
      Bà Tư năm nay 70 tuổi, sống ở khu nghĩa địa này từ năm 1974 tới nay. Đã 35 năm trôi qua mà bà vẫn nhớ rất rõ ký ức của những ngày mới vào đây sống: "Hồi đó nhà tui ở sát khu nghĩa địa này, tui bị bệnh viêm xoang nặng, nhà thì nghèo, tiền thuốc men trở thành gánh nặng. Túng quẫn quá, tui và chồng bàn nhau bán nhà vào dựng lều sống trong nghĩa địa này. Ngày mới đến khu này chỉ có mồ mả, cỏ dại, rắn rít".
       Bà Tư không thể nhớ nổi mình có bao nhiêu người cháu, người chắt đang sống ở khu nghĩa địa này. Bà chỉ biết mình có cả thảy tám người con (sáu gái, hai trai). Đứa con trai út vừa chết cách đây ba tháng vì bệnh lao nặng do nhiễm nguồn nước giếng đào cạnh mả.
       Đối diện nhà bà Tư là nhà ông Cao Văn Phấn, cũng là một cư dân lâu năm của "phố" mồ mả này. Năm nay đã 90 tuổi, ông Phấn là người cao tuổi nhất trong khu dân cư nghĩa địa. Ông đến "xóm nghĩa địa" này vào năm 1995, trước đó ông sống trong một xóm lao động nghèo ở quận 4 toàn dân nghiện hút, xì ke nên ông và gia đình đành dắt nhau qua đây. Ông không phải tốn tiền mua đất, mua nhà, chỉ trả mấy trăm ngàn đồng và một chầu nhậu để "chia" lại một khoảnh đất mả với cư dân cũ rồi cất cái chòi mà ở, gắn chặt đời mình với những nấm mồ.
       Ông Phấn nói dân ở khu "phố nghĩa địa" này ăn ở, sinh sống, mưu sinh ngay trên mả rồi chết cũng ngay tại mả. Sống ở nghĩa địa, đối diện với ô nhiễm hằng ngày nên tuổi thọ cư dân ở đây vô cùng ngắn ngủi.
       Ông Phấn có tới chín người con, hai người con trai đầu của ông một chết vào năm 1997, một chết năm 2004. Cả hai người con ông đều chết vì căn bệnh lao phổi do nhiễm bệnh từ nguồn nước nghĩa địa.
       Hằng ngày ông đi bán vé số dạo quanh các con đường ở quận 8. Ban đêm thì trở về thả mình trên chiếc phản gỗ mục nát đặt cạnh một nấm mồ hoang trong căn lều chỉ vài mét vuông, là nơi cư ngụ của gần chục người gồm ông và vợ chồng, con cái của người con trai út. Căn lều ông ở được dựng nên bởi những tấm tôn hoen gỉ mà ông và người con trai thu lượm được. Nền nhà lỗ chỗ sau những lần đắp vá vì đất lún, có chỗ còn lún nhão nhoét, ướt át và được bao quanh bởi 6, 7 ngôi mộ san sát nhau.

 **Xóm nhiều "không"
       Ở xóm này có rất nhiều cái "không", đó là nhà không số, chủ không tên, trẻ con không khai sinh, không học hành, không được quan tâm. Người lớn không có việc làm, không hiểu biết, không có đám cưới và không có nước dùng cho sinh hoạt... Không có nước nên họ phải đi mua lại những người xung quanh với giá 10.000 đồng/m3.
       Cái thiếu nhất với xóm nghèo này là việc làm, ai cũng muốn có một công việc ổn định kiếm cơm qua ngày vậy mà rất khó. Đa số phụ nữ đi bán vé số, đàn ông đi phụ hồ, bốc vác nhưng bữa có bữa không. Thanh niên lại càng chẳng biết làm gì. Ngày kiếm được việc thì chớ, không thì kiếm chai rượu, mấy quả ổi xanh, mớ ốc ngồi trên mộ nhâm nhi. Và từ đây sinh ra nhiều chuyện không hay.
       Ở đây mười mấy năm qua không có đám cưới. Các bạn trẻ đến với nhau bằng tình cảm thắm thiết chứ chẳng có lấy một mâm cỗ, cơi trầu. Bà Thạch Thị Hồng tủi thân: "Con gái tui lấy chồng năm ngoái. Hai đứa thương nhau rồi về với nhau chứ có cỗ chác gì, mà lấy đâu ra tiền làm cỗ. Tui thương nó lắm, nhưng chỉ biết khóc thôi".

**Những phận trẻ lụi tàn
       Cả xóm hầu hết trẻ con đều thất học, chủ yếu học lớp 1 lớp 2 rồi nghỉ vì không tiền. Hiếm lắm mới có em học tới lớp 6 lớp 7 như Trần Thị Mỹ Luông nhưng cũng có nguy cơ bỏ học vì nhà quá nghèo. Bà Nguyễn Thị Thu Ba - mẹ Luông - cho biết: "Tôi đi bán vé số từ tờ mờ sáng tới tối mịt mới về, mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn đong gạo để mẹ con ăn qua ngày. Tằn tiện chắt chiu từng đồng một nuôi nó đến giờ thì kiệt sức rồi. Học xong năm nay chắc phải bỏ vì tiền học nhiều quá".
        Ba chị em Võ Ngọc Hân 11 tuổi, Võ Trùng Dương 7 tuổi, Võ Minh Thư 6 tuổi - con vợ chồng anh Võ Hồng Dũng và chị Võ Minh Hạnh - đứa nào cũng nửa chữ bẻ đôi không biết. Anh Dũng quần quật suốt ngày làm thuê khắp nơi, không kể đêm khuya hay trời mưa nắng. Còn chị Hạnh mỗi ngày cuốc bộ hàng chục cây số bán vé số kiếm tiền nuôi con. Bé Hân tủi thân vì mỗi khi ra ngoài đường lớn thấy các bạn được tung tăng đi học mà không phải lo nghĩ gì, còn ba chị em phải quanh quất trong căn chòi lụp xụp, đi ra gặp mả đi vào đụng tôn.
       Còn Ngô Hoàng Sang 15 tuổi, ngày đi lượm ve chai phụ mẹ. Mẹ em bán vé số. Thấy chúng tôi chụp hình, em nói: "Nhiều đứa nghèo như cháu lên tivi rồi được giúp đỡ, đi học phải không chú?".
       Mẹ Sang nghe thế liền mắng té tát: "Học hành cái gì chứ. Cơm chưa có mà ăn nữa là học. Ngày hôm ni mày lượm được mấy ngàn đồng?...".
       Những đứa trẻ ở xóm này nhiều em không có giấy khai sinh như ba chị em nhà Võ Ngọc Hân. Chúng sinh ra đều có giấy chứng sinh của bệnh viện, tuy nhiên do cha mẹ chúng không có hộ khẩu nên không thể nào làm khai sinh cho chúng được.
       Chị Trần Thị Mỹ Hạnh - tổ trưởng tổ 38 - tâm sự: "Cái xóm này ai cũng thương các em lắm. Nhà các em đứa nào cũng nghèo nên phải bỏ học phụ giúp gia đình kiếm sống. Tổ và phường đến vận động cho các em học lớp ban đêm, nhưng học được mấy hôm các em lại bỏ". Liệu với hoàn cảnh túng quẫn như gia đình các em thì chúng có đủ sức theo những lớp đó không? Bao nhiêu mặc cảm, bao nhiêu áp lực đè lên cái đầu nhỏ bé của chúng.
       Một chuyện thật đau lòng đã xảy ra với cậu bé Nguyễn Văn Định 15 tuổi: hồi tháng 8-2008, khi bố mẹ mới bị bắt vì buôn bán ma túy, em phải sống một mình. Không có gì ăn uống em phải làm thuê làm mướn. Người hàng xóm trong nghĩa địa xin cho đi làm phụ hồ để kiếm cơm qua ngày, làm được mấy hôm không đủ sức nên bỏ. Em bị kẻ xấu rủ rê đi đưa hàng trắng ở đường Lương Văn Can thì bị công an bắt...
       Không biết rồi cuộc đời của những người dân nơi đây sẽ ra sao và số phận của những đứa trẻ nheo nhóc, ít được học hành nơi nghĩa địa tăm tối này sẽ trôi về đâu.

**Xóm Bộ Lạc
 
       Cái xóm nhỏ hơn 100 hộ gia đình này nằm ngay dưới gầm cầu Nguyễn Tri Phương và trải dài theo 2 bên bờ con rạch Ụ Cây, thuộc địa bàn hai phường 9, 10 (quận 8 – Tp.HCM). Những người lớn tuổi nhất ở xóm cũng không nhớ rõ xóm này có tự bao giờ. Nhiều người phỏng đoán, nó hình thành khi mà những người nông dân nghèo mất mùa đổ xô về Sài Gòn- Gia Định xưa kiếm ăn xung quanh con rạch Ụ Cây, nơi từng tồn tại hàng chục xưởng cưa, với những ụ cây cao ngất”.
       Thuở ấy, những thân phận đói kém mất mùa đi làm thuê, làm mướn đắp đổi qua ngày tề tụ về sống ven rạch Ụ Cây. Người lớn đi trước, lớp trẻ nối bước theo sau, mỗi người mỗi cảnh. Đa phần họ là những người nghèo không vốn liếng, không chữ nghĩa, không đất cắm dùi, không cơ sở làm ăn, Thế là quy tụ về đây tạo thành một xóm chỉ toàn lều và ghe, với công việc làm thuê, làm mướn cho các xưởng cưa. Đêm về, chỗ nằm ngủ của họ là mấy tấm chiếu manh trải trên ghe, trên sàn gỗ của những ngôi nhà dựng tạm bợ, chẳng đủ để che mưa che nắng. Họ chỉ mong con cái lớn lên mạnh khỏe để làm việc có đủ cái ăn. Nghèo khó, biết thân biết phận, những con người nơi đây ngầm ước hẹn với nhau: con gái, con trai trong xóm chỉ lấy nhau mà không nên lấy người ngoài.
     Cứ như thế, con gái con trai trong xóm đến tuổi dựng vợ gã chồng chỉ cần làm mâm cơm đạm bạc ra mắt cả xóm là thành vợ, thành chồng. Những đôi vợ chồng trẻ lại tiếp tục chen chúc sống bên bờ rạch. Lại tiếp tục sinh con đẻ cái; rồi con cái lớn lên cũng lại theo "tập tục" của xóm mà lấy nhau. Kết quả là bây giờ cả xóm toàn là bà con, thông gia, có "dây mơ mối rễ" với nhau. Cái tên xóm Bộ Lạc được hình thành từ đó.
       Chính vì là bà con của nhau mà tính cộng đồng của xóm này rất vững chắc. Cô Nguyễn Thị Mỹ Lệ, một người dân sống ngay đầu con hẻm dẫn vào xóm bộ lạc, nói một cách e dè: "Đố ai dám đụng tới bất kỳ thành viên nào trong xóm đó. Chuyện gì họ cũng bênh vực nhau. Do đó, bất kể đúng hay sai, nhiều lần cả xóm kéo nhau đi "đánh hội đồng" bảo vệ "quyền lợi" cho con em trong xóm. Nếu có đi ngang xóm, mình cũng phải đi nhẹ nhàng cẩn trọng và chớ có dại mà gọi cái từ " xóm bộ lạc" ngay trước mặt họ. Việc gì họ cũng thể hiện tính tập thể, sẵn sàng ăn thua đủ để giúp các thành viên trong xóm mọi nơi, mọi lúc…”
        Thật vậy, tuy đang trò chuyện với chúng tôi, nhưng cô Lệ luôn để mắt xem chừng động tĩnh xung quanh. Cô thì thầm: “Xóm bộ lạc đang nghĩ tôi là “ăng ten” của chính quyền, nên khi tiếp xúc với người lạ tôi luôn phải đề cao cảnh giác”.
       Và cô Lệ bức xúc: “Nói nhiều khi mấy chú không tin: Ở đây, nếu có người lạ hỏi chuyện ai đó về nội tình của Xóm bộ lạc thì cứ y như rằng, đêm đó nhà họ phải chịu những hòn đá “vô tình” bay lên nóc nhà, đập vào cửa kính… Nhìn chung, mọi người dân xung quanh điều hiểu một luật bất thành văn: không biết, không thấy, không nghe…”
      Trời chưa sáng tỏ, những bếp lửa than rực đỏ đã được đặt trong quang gánh, những chiếc xe lôi cũ rích, những chiếc ba gác, xe đạp cà tàng lần lượt “xuất bến” đưa những con người lầm lũi trong xóm đi khắp các ngõ ngách Sài Gòn tìm kế sinh nhai… Tối đến, họ lại trở về dưới hơn trăm mái nhà xập xệ, nằm nép mình bên con rạch Ụ Cây đang chết dần, chết mòn do ô nhiễm… Đã bao năm, bao đời mà cái nghèo vẫn cứ dai dẳng bám lấy xóm nhỏ này.
       Đường vào xóm ngập rác và bốc mùi xú uế nồng nặc - hậu quả của những chất thải đủ loại của hàng trăm hộ nơi đây và hàng hàng ngàn con người ngày ngày lăn lộn kiếm sống ở ngôi chợ Ba Đình (xóm bộ lạc, nằm ngay phía sau ngôi chợ). Anh Nguyễn Minh Phương, tổ trưởng tổ 83, khu phố 5, phường 9, quận 8- nơi có Xóm bộ lạc, cho biết: “Xóm là một tập hợp của 100 hộ gia đình chuyên nghề làm thuê , làm mướn kiếm sống. Ở đây, mọi thứ đều tạm bợ, vì thế chuyện sinh hoạt thường nhật có quá nhiều trở ngại. Nhưng với nhiều người đã quen sống nơi này thì không có gì là đáng phải bận tâm!”
       Bà L – một cư dân trong xóm, chuyên nghề giúp việc vặt cho các tiểu thương ở chợ Ba Đình, tiếp chúng tôi trong ngôi nhà (thực ra là một cái chòi, được dựng tạm bợ) bên trong không hề có bất cứ một thứ tiện nghi nào ngoài mấy cái ghế nhựa sứt mẻ, mấy cái nồi nhôm cáu bẩn, dăm cái chậu méo mó... Bà L., cho biết: “Mỗi ngôi nhà ở đây gắn với với thân phận dăm ba con người làm thuê, làm mướn, mong kiếm vài đồng lẻ đong gạo từng ngày...”.
       Ông H, một trong những dân nhập cư tròm trèm 20 năm ở Xóm bộ lạc, cũng là người có thâm niên trong việc chuyên đong gạo từng bữa, kể: “Trước đây, nhà tôi ở dưới Vĩnh Long cũng có vài ba công ruộng, cuộc sống tuy không dư, nhưng cũng sống được. Thế rồi, đến giữa những năm 80, bà nhà tôi mắc bệnh nan y, bán hết đất mà vẫn không thể cứu chữa được. Không còn mảnh đất cắm dùi, 5 cha con phải chèo ghe ngược xuôi để mua bán phế liệu kiếm sống qua ngày. Rồi một ngày nọ đến nơi này để nương thân tiếp tục phận làm thuê, đong gạo từng bữa...”.
       Góp nhiều cư dân nhất có lẽ là những người dân ngèo của các khu vùng ven Sài Gòn – Gia Định xưa, những người trước đây chuyên nghề xẻ cây cho các xưởng cưa. Ông Sáu T., một trong những “bô lão” trong xóm, là một trong số đó. Năm nay đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy. Hồi trước giải phóng, ông có 8 người con, 3 người con trai lớn theo ông đến con rạch Ụ Cây, mưu sinh bằng nghề cưa cây.
       Ngồi nhấm nháp ly đế Gò Đen với vài ba con cá cơm khô trong căn nhà nhỏ chưa đầy 20m2 bên bờ con rạch Ụ Cây đang ô nhiễm nặng từng ngày, ông Sáu T. kể: “Hồi đó, dưới quê bị mấy chủ điền ép quá, tôi chịu không nổi, đành dắt 3 thằng con trai lớn lưu lạc lên Gia Định kiếm sống. Tuy có cực khổ đôi chút, nhưng vẫn sướng hơn cuộc đời tá điền ở miệt Cà Mau…”.
        Theo ông Sáu T., nhọc nhằn trên bước mưu sinh là điều không đáng để cư dân xóm này phải bận tâm nhiều, bản thân ông hơn 30 năm làm thuê, làm mướn, đong gạo từng bữa vẫn không ngại. Nhưng với thân phận của những con người nghèo khổ, học vấn thấp không tránh khỏi bị người ta nhìn bằng ánh mắt khinh thường.
       Cả xóm có hàng chục đứa trẻ trong độ tuổi đến trường, nhưng đa phần không hề biết mặt chữ. Vì hàng ngày, chúng phải thức dậy từ rất sớm, đứa theo mẹ bán vé số, đứa theo cha hành nghề mua ve chai, đứa ra chợ coi ai sai gì làm nấy … Thằng bé đen như nhọ nồi đứng trước mặt chúng tôi có tên là Hùng. Năm nay Hùng chưa đầy 11 tuổi, người cứ quắt queo như que củi khô. Nghe anh Phương, tổ trưởng tổ dân phố nơi đây nói rằng, tất cả những đứa trẻ ở đây đều không đi học và hầu hết không có giấy khai sinh. Cha mẹ các em không hề quan tâm đến việc khai sinh cho con. Họ chỉ những mong các em khoẻ mạnh để lao động tự kiếm sống.
       Thêm vào đó, trẻ em nơi đây đa phần đều suy dinh dưỡng và mắc nhiều bệnh tật, bởi nguồn thức ăn cung cấp cho chúng chỉ đơn thuần là những món ăn đạm bạc, thỉnh thoảng cha mẹ hay bản thân bọn trẻ “trúng mánh” mới mong được một bữa ngon.
        Hùng chưa một lần được cắp sách đến trường, nhưng lại là lao động chính của gia đình. Cha Hùng qua đời khi em đang nằm nôi, mẹ thì bệnh tật kéo dai. Hằng ngày, nó dậy rất sớm, đi bán vé số, khắp các ngõ ngách quận 5, quận 8. Hùng tâm sự: “Không phải em không muốn đi học mà là có muốn đi học cũng không xong, bởi nghèo và bởi tới nay em vẫn chưa có giấy khai sinh…”.
       Theo anh Phương, ở Xóm bộ lạc này, những đứa trẻ đang trong độ tuổi đến trường được đi học chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Ở đây em nào học đến cấp 2 được coi là học cao rồi. Chính vì niềm hy vọng vào thế hệ mai sau không có, cho nên những đứa trẻ trong Xóm bộ lạc cũng đang từng ngày, từng giờ lặp lại cái vòng luẩn quẩn của cha mẹ chúng, với phận làm thuê và cảnh “đong gạo từng bữa”
       Có thể nói, bao đời nay cái khổ về con chữ cũng là một trong những nguyên nhân ghìm chặt người dân nơi đây trong cái đói, cái nghèo, cái thân phận đi làm thuê. Cũng đã nhiều lần trai gái trong xóm quyết tâm tìm một tương lai tươi sáng hơn, nhưng do không biết chữ nên đành chào thua. Còn những ai cố đổi đời bằng mọi cách thì lại bị cuốn vào con đường tệ nạn.